Đàm phán TPP thành công: Cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam
Ngày 5/10, Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này.
Với việc cắt giảm hàng rào thương mại và đặt ra tiêu chuẩn chung cho 12 thành viên, thỏa thuận lịch sử này được cho là sẽ định hình lại các ngành công nghiệp và tác động đến mọi thứ, từ giá bơ sữa đến chi phí điều trị ung thư.
Các bộ trưởng tuyên bố, sau hơn 5 năm đàm phán sâu rộng, “chúng tôi đã đạt được thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng cường phát triển hòa nhập và khuyến khích sáng tạo trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan trọng hơn, thỏa thuận này đạt được mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra về một hiệp định tham vọng, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, có lợi cho người dân các nước chúng ta”.
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, Hội nghị bộ trưởng thương mại các nước TPP lần này tập trung vào giải quyết các vấn đề còn tồn đọng lớn nhất sau Hội nghị Bộ trưởng TPP hồi tháng 7 ở Hawaii (Mỹ). Đó là bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm sinh học, tiếp cận thị trường ôtô và sữa. Vòng đàm phán cuối cùng tại thành phố Atlanta (Mỹ) bắt đầu từ thứ Tư tuần trước, tưởng chừng bế tắc trước tranh cãi những loại thuốc công nghệ sinh học thế hệ mới nên được bảo hộ sáng chế trong bao lâu. Ngày 5/10, nút thắt được gỡ khi Mỹ và Úc đạt được đồng thuận ở mức 5 năm.
Hôm qua, Mỹ, Mexico, Canada và Nhật Bản đồng ý với những nguyên tắc liên quan ngành công nghiệp ôtô để xác định số lượng xe sẽ được sản xuất trong khu vực TPP để được nhận quy chế miễn thuế quan. Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ giữa Canada, Mỹ và Mexico quy định các loại xe phải sử dụng 62,5% linh kiện nội địa.
TPP sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa chiến lược phát triển công nghiệp ô tô.
TPP cho phép các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản được tự do mua linh kiện từ châu Á để sản xuất xe bán tại Mỹ, nhưng đặt thời hạn áp thuế dài hơn tại Mỹ cho xe hơi và xe tải Nhật. TPP cũng đề ra hướng dẫn giải quyết tranh chấp giữa các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài tách biệt với các tòa án quốc gia, CNN đưa tin.
Các lợi ích TPP đem lại cho Việt Nam
Theo Ủy ban tư vấn về chính sách thương mại quốc tế - Trung tâm WTO và Hội nhập, lợi ích ở thị trường các nước đối tác TPP mà Việt Nam có thể tận dụng từ TPP thể hiện ở 2 hình thức chủ yếu: lợi ích thuế quan (đối với thương mại hàng hóa) và lợi ích tiếp cận thị trường (đối với thương mại dịch vụ và đầu tư).
Vào TPP, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích
Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, việc Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ với mức thuế suất bằng 0 hoặc thấp như vậy sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và một triển vọng hết sức sáng sủa cho nhiều ngành hàng của chúng ta, kéo theo đó là lợi ích cho một bộ phận lớn người lao động hoạt động trong các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu. Lợi ích này không chỉ dừng lại ở những nhóm mặt hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu (như dệt may, giầy dép…), nó còn là động lực để nhiều nhóm mặt hàng khác hiện chưa có kim ngạch đáng kể có điều kiện để gia tăng sức cạnh tranh. Nói một cách khác, lợi thế này không chỉ nhìn từ góc độ hiện tại mà còn được nhìn thấy ở cả tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế, cơ hội tăng mạnh xuất khẩu không phải cho tất cả khi mà ví dụ đối với Mỹ, hàng thủy sản chưa chế biến hay đồ gỗ (hai lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này) thực tế đã và đang được hưởng mức thuế suất gần bằng 0.
Về lý thuyết, với TPP, Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn, với ít rào cản và điều kiện hơn. Tuy vậy, trên thực tế, dịch vụ của Việt Nam hầu như chưa có đầu tư đáng kể ở nước ngoài do năng lực cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém. Trong tương lai, tình hình này có thể thay đổi đôi chút (với những nỗ lực trong việc xuất khẩu phần mềm, đầu tư viễn thông…).
Ngoài ra, với TPP, Việt Nam cũng có các lợi ích khai thác được tại thị trường nội địa, như các lợi ích từ việc giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước TPP; từ những khoản đầu tư, dịch vụ đến từ Mỹ và các nước đối tác TPP; từ những thay đổi thể chế hay cải cách để đáp ứng đòi hỏi chung của TPP; từ việc mở cửa thị trường mua sắm công; từ việc thực thi các tiêu chuẩn về lao động, môi trường… Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức liên quan sức ép cạnh tranh, mở cửa thị trường hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, môi trường lao động...
Vĩnh Dương – theo báo Tiền Phong