Khu công nghiệp Tam Thăng: Một chặng đường phát triển
Bằng tâm huyết và những kinh nghiệm có được trong quá trình phát triển Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, chủ đầu tư Khu công nghiệp Tam Thăng (Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai - Cizidco) đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong chặng đường đầu tư vừa qua. Chỉ trong vòng 5 năm (2015 - 2020), Cizidco đã biến vùng đất cát khô cằn trở thành một KCN khang trang, thân thiện.
Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng là một trong 5 KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003. Nhằm tạo động lực phát triển kinh tế vùng đông Tam Kỳ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cuối năm 2014, theo kiến nghị của Thành ủy Tam Kỳ, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã đề nghị và được UBND tỉnh quyết định giao cho Cizidco làm chủ đầu tư KCN này.
Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Cizidco đã thực hiện đồng thời các công tác: điều chỉnh quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế hạ tầng KCN, báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập thủ tục thu hồi đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt là tham mưu điều chỉnh quy hoạch vị trí và đầu tư tuyến đường trục chính quốc lộ 1 đi KCN Tam Thăng, tạo sự đồng bộ trong việc kết nối hạ tầng giao thông.
KCN Tam Thăng khởi công vào ngày 24.3.2015, nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ Tam Kỳ lần thứ XX. Bất chấp sự nghi ngại của nhiều người, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chủ đầu tư, chỉ sau 3 tháng vừa thực hiện giải phóng mặt bằng vừa đầu tư kết cấu hạ tầng, Cizidco đã bàn giao hơn 30ha đất cho Tập đoàn Panko khởi công xây dựng nhà máy dệt may vào tháng 7.2015. Diện mạo KCN Tam Thăng đã được hình thành từ đó.
Xác định mục tiêu phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nên ngay từ những ngày đầu triển khai kết cấu hạ tầng KCN, Cizidco đã chủ động xúc tiến dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải và được Tập đoàn Panko thống nhất hỗ trợ đầu tư dự án này với công suất 28.000m3/ngày đêm. Việc nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho cả KCN là việc làm mới trong quá trình phát triển hạ tầng KCN của Việt Nam.
Nhằm làm tăng khả năng bảo vệ môi trường KCN, tiết kiệm tài nguyên nước và góp phần tiết giảm chi phí cho nhà đầu tư trong KCN Tam Thăng, lãnh đạo Cizidco đã đề xuất ý tưởng và xúc tiến dự án xây dựng nhà máy tái sử dụng nước và được Công ty RTS hiện thực hóa với quy mô công suất giai đoạn 1 là 13.000m3/ngày đêm, nhà máy đã đi vào hoạt động chính thức vào giữa năm 2018. Hai công trình bảo vệ môi trường này đã góp phần không nhỏ đối với việc tạo thương hiệu cho KCN Tam Thăng.
Tính đến ngày 31.12.2019, KCN Tam Thăng đã thu hút 23 dự án đầu tư, trong đó có 19 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 515 triệu USD, vốn thực hiện hơn 400 triệu USD và 4 dự án trong nước có tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 338,6 tỷ đồng, đã thực hiện khoảng 157 tỷ đồng với sự tham gia của các tập đoàn, công ty đa quốc gia như Panko - dệt may, Hyosung - phụ trợ ngành ô tô, OCC của Hàn Quốc; Fashion Garments của Hồng Kông; Amann, Wendler của Đức… Hiện có 18 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 11.000 lao động. Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 72%.
Giải pháp phát triển bền vững
Thành công lớn nhưng mới chỉ là bước đầu. Để hướng đến một KCN xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững thì KCN Tam Thăng còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, hiện tại KCN đang còn trên 40ha đất chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó có gần 100 hộ dân và hơn 1.000 ngôi mộ, lý do chính là chưa có đất tái định cư và khu cải táng mồ mả.
Chủ đầu tư KCN đã và đang khẩn trương xúc tiến các thủ tục để đầu tư khu tái định cư Tam Thăng giai đoạn 2 để bố trí cho người dân theo hướng đất đổi đất, đảm bảo mục tiêu người dân đến nơi ở mới có đời sống hơn hẳn nơi ở cũ. Theo đó, sẽ đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN, trong đó chú trọng hạ tầng về kiểm soát môi trường, nước, không khí, chất thải rắn và vệt cây xanh cách ly KCN, phấn đấu thực hiện xong công tác này trước ngày 31.12.2021.
Kinh nghiệm cho thấy, KCN nào có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thu hút được dự án của các nhà đầu tư chuyên nghiệp thì ở đó có môi trường xanh, sạch và phát triển tốt, có sự đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tam Thăng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, địa phương trong việc xúc tiến và thu hút đầu tư, đảm bảo toàn bộ diện tích còn lại (45ha) KCN Tam Thăng chỉ thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch với sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, để có được KCN xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững, ngoài các yếu tố hạ tầng đồng bộ, nhà đầu tư chuyên nghiệp, một yếu tố không thể thiếu đó là công tác bảo vệ môi trường. Muốn bảo vệ môi trường tốt, yếu tố đầu tiên phải kể đến công trình hạ tầng bảo vệ môi trường. KCN Tam Thăng đã có hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô tương đối lớn, và cũng đã có nhà máy tái sử dụng nước nhưng chưa có hồ ứng phó sự cố.
Chủ đầu tư hạ tầng đã và đang phối hợp với nhà đầu tư để sớm khắc phục hạn chế này trong thời gian sớm nhất, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và các doanh nghiệp có giải pháp tốt về không khí, chất thải rắn, chất thải nguy hại...
Các giải pháp nêu trên nếu được thực hiện đồng bộ, hy vọng trong tương lai gần, KCN Tam Thăng sớm trở thành KCN xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.