vienko

Font Size

SCREEN

Profile

Layout

Menu Style

Cpanel

Quảng Nam: Kinh tế biển là động lực chính trong quy hoạch, lấy Khu kinh tế mở Chu Lai làm hạt nhân

(Xây dựng) – Tỉnh Quảng Nam nhận định Khu kinh tế Chu Lai sẽ là động lực phát triển khu vực vùng Đông Nam tỉnh nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung, gắn với định hướng toàn bộ khu vực vùng Đông của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và là một trong những hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Quảng Nam: Kinh tế biển là động lực chính trong quy hoạch, lấy Khu kinh tế mở Chu Lai làm hạt nhân

Định hướng phát triển kinh tế biển

Sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam cho thấy xu hướng phát triển mạnh về phía Đông – hướng ra biển. Hay nói cách khác, kinh tế biển (kinh tế hướng biển) được xem là động lực chính trong phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam, với một số ngành công nghiệp biển, du lịch biển, dịch vụ biển có tiềm năng, lợi thế phát triển rất lớn.

Tiềm năng công nghiệp hướng biển cũng rất lớn. Hiện nay, trong cơ cấu công nghiệp của Quảng Nam, tập trung chủ yếu ở Khu kinh tế mở Chu Lai trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Thăng Bình. Giai đoạn 2011 - 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của 3 địa phương kể trên chiếm 70% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh với nhiều cơ sở công nghiệp, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Trong đó, trọng tâm là ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất và lắp ráp ôtô.

Dự báo, trong giai đoạn tiếp theo, những địa phương này nói riêng và vùng Đông Quảng Nam sẽ là vùng động lực phát triển kinh tế và công nghiệp không những của Quảng Nam mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, Khu kinh tế mở Chu Lai có nhiều điều kiện thuận lợi, kết nối liên vùng với Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) tạo thành động lực phát triển kinh tế liên vùng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ hội tham gia 2 cụm liên kết ngành với trung tâm là các doanh nghiệp lớn thuộc Khu kinh tế Dung Quất, đó là: Cụm cơ khí nặng với doanh nghiệp trung tâm là Doosan và các sản phẩm sau thép với doanh trung tâm là thép Hòa Phát; Hóa dầu: Hình thành các mạng lưới sản xuất và cung ứng các sản phẩm nhựa (các loại ống và màng mỏng) phục vụ nông nghiệp công nghệ cao với doanh nghiệp trung tâm là Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Khu vực này động lực này sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp có quy mô lớn, có tính động lực tác động đến các ngành công nghiệp khác cùng phát triển, mang lại nguồn thu lớn ngân sách và tạo nhiều việc làm, thu nhập cao cho người dân.

Ngoài ra, tiềm năng điện khí cũng rất lớn gắn với việc khai thác dự án mỏ khí trữ lượng lớn Cá Voi Xanh - đã được đưa vào phạm vi quy hoạch Khu công nghiệp khí - năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và các sản phẩm sau khí (được điều chỉnh mở rộng phạm vi tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 – 2024. Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 3-4 tỷ m3/năm phục vụ tổ hợp năng lượng điện khí đốt. Mặc dù dự án chưa được triển khai nhưng quy mô dự án cho thấy ngành kinh tế này có thể tạo ra đột phá tăng trưởng kinh tế Quảng Nam.

Theo đó, các dự án ngành, lĩnh vực công nghiệp được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 và sau 2030 sẽ là công nghiệp gắn với cảng biển và cảng hàng không Chu Lai, như công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô, cơ khí chế tạo; công nghiệp khí - năng lượng và sản phẩm sau khí…

Quảng Nam: Kinh tế biển là động lực chính trong quy hoạch, lấy Khu kinh tế mở Chu Lai làm hạt nhân
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng Chu Lai từ cảng biển loại 2 được nâng lên thành cảng biển loại 1 quốc gia.

Cơ sở hạ tầng khu vực ven biển ngày càng phát triển, hoàn thiện. Trong đó, Cảng hàng không Chu Lai là sân bay có diện tích hiện trạng lớn nhất cả nước, được quy hoạch diện tích, quy mô, công suất lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên (quy mô tiêu chuẩn 4F, công suất quy hoạch đến năm 2025 đạt 5 triệu tấn hàng hóa và 4,1 triệu hành khách/năm). Trong tương lai, có thể nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế và trung chuyển hàng hóa quốc tế gắn với hoạt động các khu phi thuế quan và logistics, phát triển trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, đào tạo phi công...

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển tiếp tục được đầu tư, có thể đảm nhiệm vai trò “trạm trung chuyển quốc tế” và trở thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi các nước trên thế giới.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng Chu Lai từ cảng biển loại 2 được nâng lên thành cảng biển loại 1 quốc gia. Trong đó, tuyến luồng Cửa Lở (huyện Núi Thành) được quy hoạch là tuyến luồng đạt chuẩn tắc luồng 1 làn, 2 chiều, dài 6km, rộng 140m, cao trình đáy nạo vét -13,2m, đảm bảo tàu 30.000 tấn đầy tải ra vào thường xuyên và có thể tiếp nhận các tàu 50.000 tấn hoặc lớn hơn lợi dụng mực nước thủy triều ra vào cập cảng Chu Lai.

Ngoài ra, hạ tầng với các công trình giao thông ven biển đã và đang được đầu tư lớn như đường Võ Chí Công nối thành phố Hội An với thành phố Đà Nẵng và sân bay Chu Lai (Núi Thành), các tuyến đường cao tốc, Quốc lộ 1 kết nối với tuyến đường ven biển. Luồng vào cảng Kỳ Hà được khơi thông có thể đón tàu 2 vạn tấn. Chuỗi đô thị ven biển đã hình thành gồm đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành.

Với việc đánh giá tiềm năng, lợi thế phát triển khu vực ven biển cũng như trên toàn tỉnh, xác định các ngành, lĩnh vực trọng tâm ưu tiên phát triển của tỉnh Quảng Nam giai đoạn tới các ngành gồm cơ khí chế tạo, đặc biệt là sản xuất, lắp ráp ôtô và chuỗi các ngành phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô; du lịch và công nghiệp năng lượng (điện - khí, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch).

Quảng Nam: Kinh tế biển là động lực chính trong quy hoạch, lấy Khu kinh tế mở Chu Lai làm hạt nhân
Khu kinh tế Chu Lai sẽ là động lực phát triển khu vực vùng Đông Nam tỉnh nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung, gắn với định hướng toàn bộ khu vực vùng Đông của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và là một trong những hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Khu kinh tế mở Chu Lai là động lực phát triển của tỉnh Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam nhận định, Khu kinh tế Chu Lai sẽ là động lực phát triển khu vực vùng Đông Nam tỉnh nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung, gắn với định hướng toàn bộ khu vực vùng Đông của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và là một trong những hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục định hướng phát triển theo diện tích đã được duyệt là 27.040ha với loại hình khu kinh tế ven biển.

Về phương hướng phân bổ không gian phát triển khu kinh tế tiếp tục theo định hướng đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phân bố các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch gắn với các nhóm dự án động lực.

Về phát triển hệ thống khu kinh tế: Tiếp tục phát huy vai trò là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực. Xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trở thành Khu kinh tế động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước với tính chất đã được Thủ tướng Chính phủ định hướng tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Quảng Nam: Kinh tế biển là động lực chính trong quy hoạch, lấy Khu kinh tế mở Chu Lai làm hạt nhân
Các dự án ngành, lĩnh vực công nghiệp được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 và sau 2030 sẽ là công nghiệp gắn với cảng biển và cảng hàng không Chu Lai, như công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô, cơ khí chế tạo…

Xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai nằm trong vùng Đông Nam của tỉnh, trở thành một phần chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phục hồi hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phấn đấu đưa kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh phát triển mạnh, giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế, gắn với vai trò củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển. Tổ chức điều chỉnh đồ án quy hoạch chung khu kinh tế mở Chu Lai trên cơ sở rà soát, nghiên cứu, kế thừa các nội dung hợp lý tại đồ án cũ và các quy hoạch xây dựng dự án đã triển khai. Nhằm đáp ứng các các chính sách, yếu tố phát sinh mới trong giai đoạn hiện nay và các yêu cầu về phát triển khu kinh tế trong giai đoạn đến.

Tiếp tục hoàn thiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung trong Khu kinh tế theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng hệ thống cảng biển Chu Lai thành cảng loại I; nạo vét tuyến luồng mới Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn và nâng cấp hạ tầng cảng để phát triển mạnh dịch vụ giao nhận và hình thành Trung tâm Logistics hàng hải tại Khu công nghiệp - Hậu cần cảng Tam Hiệp. Từ đó bổ sung cầu từ Khu công nghiệp - Hậu cần cảng Tam Hiệp qua khu phi thuế quan gắn với khu bến cảng Tam Hòa.

Thanh Đức - Báo Xây Dựng