vienko

Font Size

SCREEN

Profile

Layout

Menu Style

Cpanel

Quảng Nam: Tăng chất dòng vốn FDI

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn phải là những ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất.

Sức hút vốn FDI tăng cao

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang có 14 KCN đã được cấp phép với tổng diện tích trên 3.676ha. Tỉnh còn có 51 cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết và đi vào hoạt động với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê hơn 722ha.

Theo quy hoạch dự kiến đến năm 2050, toàn tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển thành 31 KCN với diện tích khoảng hơn 11.000ha, đến năm 2030, quy hoạch 115 cụm công nghiệp, với tổng diện tích hơn 3.000ha.

Thời gian qua, thu hút đầu tư vào các KCN ở Quảng Nam được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Có thể kể đến KCN Bắc Chu Lai (tổng diện tích 361,4ha), đến nay, KCN này đã thu hút được 31 dự án, trong đó có 10 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 209,6 triệu USD và 21 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 4.220 tỷ đồng.

Hay KCN Tam Thăng (diện tích hơn 197ha), hiện KCN này đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 20 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 549 triệu USD và 4 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 356,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, KCN Tam Thăng mở rộng (diện tích 242ha), mặc dù mới chỉ hoàn thành quá trình trích đo 2 đợt (đợt 5, 6), song Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã đăng ký đầu tư dự án sản xuất vải mành mở rộng với vốn đầu tư 200 triệu USD, diện tích 21ha.

KCN Tam Thăng đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 20 dự án FDI. Ảnh: Thành Vân.

Ông Lê Ngọc Thuỷ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai (chủ đầu tư của 3 KCN trên) cho biết, lũy kế đến nay, các KCN do công ty làm chủ đầu tư đã thu hút được 55 dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 4.576,6 tỷ đồng và 958,6 triệu USD.

"Trong thời gian tới, công ty sẽ thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu hút có hiệu quả các dự án có công nghệ tiên tiến, ít ảnh hưởng môi trường và đóng góp xã hội cao vào KCN Bắc Chu Lai và KCN Tam Thăng trên phần diện tích đất sạch đã có cơ sở hạ tầng còn lại", ông Thuỷ cho hay.

Trong khi đó, Tập đoàn Karcher (Đức) vừa đưa vào vận hành dự án "Nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch" đầu tiên ở Đông Nam Á, trị giá 20 triệu Euro, tại KCN Tam Hiệp (tỉnh Quảng Nam). Nhà máy sở hữu nhà xưởng rộng 13.500 m2 và 1.600 m2 diện tích văn phòng; thu hút khoảng hơn 300 người lao động.

Ông Hartmut Jenner, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kärcher đánh giá cao sự hỗ trợ trong việc xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam, khi dự án hoàn thiện chỉ trong vòng 1 năm.

"Chúng tôi nhận thấy tiềm năng thị trường to lớn cho các sản phẩm của mình tại châu Á. Chúng tôi đang tìm kiếm một địa điểm ở châu Á cho phép chúng tôi tăng sản lượng và tăng cường khả năng cạnh tranh về lâu dài", ông Hartmut Jenner chia sẻ.

Quảng Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tin cậy. Ảnh: Thành Vân.

Thu hút đầu tư tăng cả chất và lượng

Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam đã thu hút 1.164 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 233.163 tỷ đồng; 198 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,2 tỷ USD, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã được phê duyệt, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch...

Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút và nghiên cứu cơ chế sử dụng vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, có sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị cung ứng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Cũng theo ông Bửu, tỉnh sẽ phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở nền tảng cơ khí chính xác, tự động hóa và quản trị hiện đại; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của cơ khí, hình thành chuỗi liên kết để sớm hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai mang tầm quốc gia.

Song song với đó là phát triển ngành công nghiệp hàng không để hình thành Trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Phát triển các cụm ngành công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống.

"Thu hút đầu tư vào các KCN phải là những ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất. Các ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường, tiết kiệm tài nguyên", ông Bửu cho hay.

Mới đây, tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư về Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, thời gian qua, Quảng Nam là một trong những tỉnh, thành phố của Việt Nam được các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tin cậy.

"Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình nghiên cứu, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Mong muốn doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình tích cực tham gia hiến kế cho tỉnh những chủ trương, giải pháp mới mang tính đột phá trên những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Tạp chí điện tử Nhà đầu tư