vienko

Font Size

SCREEN

Profile

Layout

Menu Style

Cpanel

Điều kiện sống và làm việc của công nhân nhìn từ KCN Bắc Chu Lai

alt KCN Bắc Chu Lai là một trong 5 KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, nằm trong quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 43/2004/QĐ-TTg ngày 23/03/2004, có tổng diện tích 361,4 ha, trong đó Giai đoạn 1: 176,9 ha, đất công nghiệp cho thuê 142,10 ha, đã cho thuê 136,6 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 96,1%. Hiện có 23 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài,

vốn đăng ký 26,4 triệu USD, vốn thực hiện 20,6 triệu USD; 20 dự án liên doanh và trong nước, vốn đăng ký 11.595,3 tỷ đồng, vốn thực hiện gần 2.500 tỷ đồng; có 14 nhà máy đi vào hoạt động, giá trị sản xuất năm 2010 đạt 2.200 tỷ đồng, doanh thu đạt 1.981 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 200alt9, giá trị xuất khẩu đạt 38,3 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2009.

Trong những năm gần đây, tình hình lao động, điều kiện sống và làm việc của công nhân trong KCN Bắc Chu Lai có những chuyển biến đáng kể, đội ngũ công nhân phát triển về số lượng và chất lượng. Một số công nhân được đào tạo có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Số lao động đang làm việc tại các nhà máy trong KCN Bắc Chu Lai là trên 4.500 người, trong đó gần 10% có trình độ Cao đẳng, Đại học, còn lại là lao động được đào tạo tại các trường nghề, các doanh nghiệp tự đào tạo và lao động phổ thông.

Nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố con người trong sản xuất, kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp trong KCN Bắc Chu Lai đều quan tâm đến vấn đề tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh việc tuyển dụng và đào tạo tại chỗ, một số doanh nghiệp đã tuyển chọn lao động cho đi đào tạo chuyên môn, kỹ thuật ở trong nước và nước ngoài để làm lực lượng lao động nòng cốt cho Nhà máy. Phần lớn các doanh nghiệp trong KCN thực hiện tương đối tốt các quy định của Nhà nước về chính sách tiền lương, thời gian làm việc, an toàn vệ sinh lao động, chế độ bảo hiểm y tế, xã hội cho người lao động. Một số doanh nghiệp đã có xe đưa đón công nhân đi làm việc, hỗ trợ kinh phí để công nhân thuê chỗ ở, chủ động tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao, giao lưu, gặp mặt nhân các ngày lễ lớn trong năm, khám bệnh định kỳ cho công nhân,… nhằm mục tiêu cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động yên tâm làm việc lâu dài. Lương bình quân của người lao động trong KCN Bắc Chu Lai từ 1,7 - 3 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì vấn đề lao động, điều kiện sống và làm việc của công nhân KCN vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Nguồn nhân lực tại chỗ thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, trình độ học vấn của công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN còn thấp, chưa được đào tạo bài bản và có hệ thống, chưa quen với tác phong làm việc công nghiệp, chưa có hiểu biết một cách căn bản chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực lao động, nhất là quyền, nghĩa vụ và vai trò của người công nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Đời sống công nhân của một số doanh nghiệp nhỏ còn nhiều khó khăn, chưa có chỗ ở ổn định. Sau năm 2011, khi một số nhà máy lớn trong KCN Bắc Chu Lai đi vào hoạt động thì nhu cầu về lao động, nhất là công nhân có tay nghề kỹ thuật cao là rất lớn (từ 2.000 đến 3.000 người), nhưng hiện tại lực lượng lao động này tại địa phương là rất hiếm.   

Bên cạnh những doanh nghiệp có trách nhiệm cao với người lao động, vẫn còn có một số ít doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ đến đời sống người lao động, vi phạm những quy định của Nhà nước về tuyển dụng và hợp đồng lao động, chưa thực hiện tốt các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, độc hại cho người lao động. Một số đơn vị đã đi vào hoạt động sản xuất nhiều năm nhưng vẫn tìm cách né tránh việc thành lập tổ chức Công đoàn, mặc dù đã được Công đoàn các KCN, các ngành hữu quan vận động. Hiện nay, tại KCN Bắc Chu Lai mới có 6/14 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn.

Những tồn tại trên là do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, khu vực quy hoạch xây dựng KCN nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mặt bằng dân trí còn thấp, nguồn nhân lực ở đây chủ yếu là lao động phổ thông.

Thứ hai, một số doanh nghiệp còn chạy theo lợi nhuận, chưa thực hiện các chính sách của Nhà nước về lao động, chưa quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.

Thứ ba, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động được quy định khá đầy đủ tại Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, đối với các KCN, KKT thì việc quản lý nhà nước về lao động theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 của Chính phủ quy định về KCN,KCX và KKT, Thông tư số 13/2009/TT - BLĐTB&XH ngày 06/5/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên thực tế còn nhiều bất cập, phân công, phân cấp chưa rõ ràng và thiếu đồng bộ, nên việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chính sách về lao động cho người sử dụng lao động, công tác kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm pháp luật về quyền, nghĩa vụ và chính sách đối với người lao động còn hạn chế và chưa kịp thời.

Để khắc phục các hạn chế, tồn tại trên, cần quan tâm các giải pháp sau:

Một là, xem xét và phân công việc tham mưu quản lý nhà nước về lao động trong các KCN, KKT cho Ban Quản lý KCN, KKT tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan này thực hiện thống nhất các nhiệm vụ về quản lý lao động trong KCN, KKT.

Hai là, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thực hiện tốt các chế độ quy định đối với người lao động, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ việc giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân về tiền lương, thu nhập, bảo hiểm y tế, xã hội, chỗ ở, các hoạt động về văn hoá… nhằm ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, định kỳ hằng năm các cơ quan hữu quan cần có kế hoạch tổ chức phổ biến các chính sách về lao động cho công nhân. Để làm được việc này, cần có cơ chế pháp lý để doanh nghiệp dành thời gian và hỗ trợ lương cho công nhân trong thời gian học tập; tạo điều kiện để công nhân tiếp cận Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, nhằm giúp công nhân nắm và hiểu biết một cách có hệ thống các quy định của Nhà nước về lao động, nhận thức được vai trò, nâng cao giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị, giúp họ làm chủ bản thân, tham gia làm chủ nhà máy, xí nghiệp, xứng đáng là đội ngũ tiên phong trong sự nghiệp xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.

Bốn là, bên cạnh việc vận động thành lập tổ chức cơ sở đảng, công đoàn và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong các doanh nghiệp trong KCN, cần tạo dựng cơ chế cho các tổ chức này hoạt động, phát huy hiệu quả trong việc tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và là chỗ dựa tinh thần của công nhân, tránh việc thành lập cho có và hoạt động hình thức.

Năm là, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước trí thức hoá lực lượng lao động. Đa dạng hoá hình thức, loại hình đào tạo, thông qua mối quan hệ phối hợp giữa các Trường đào tạo nghề với Ban Quản lý KKT và các doanh nghiệp trong KCN hướng đến việc đào tạo nghề theo nhu cầu, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng; đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có trên 42 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 4 trường Cao đẳng và 3 trường Trung cấp nghề, lĩnh vực đào tạo chủ yếu là kế toán, tin học, văn thư, lưu trữ, xây dựng, cầu đường, chưa có cơ sở đào tạo có quy mô về các lĩnh vực cơ khí, điện, điện tử... nên cần thành lập một trường đào tạo nghề chất lượng cao, có tính chuyên nghiệp.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo điều kiện sống, làm việc của công nhân là vấn đề lớn và bức xúc. Hy vọng với những thay đổi một cách căn bản và đồng bộ đối với sự phân công, phân cấp công tác quản lý nhà nước về lao động trong KCN của Nhà nước; sự quan tâm của chính quyền các cấp cũng như người sử dụng lao động, chắc chắn đời sống, điều kiện làm việc, sinh hoạt của công nhân sẽ được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

 

Như Quỳnh