vienko

Font Size

SCREEN

Profile

Layout

Menu Style

Cpanel

Một số giải pháp đầu tư phát triển KKTM Chu Lai trong thời gian tới

Chủ trương xây dựng Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai lần đầu tiên đã được Bộ Chính trị kết luận theo Thông báo số 232-TB/TW ngày 10/7/1999. Hơn 3 năm sau, ngày 27/9/2002 Ban Chấp hành Trung ương ra Thông báo số 79-TB/TW về ý kiến của Bộ Chính trị về Đề án xây dựng KKTM Chu Lai, trong đó có đoạn nêu rõ: “Xây dựng khu kinh tế động lực miền Trung, bao gồm KKT Dung Quất và KKTM Chu Lai là chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị, có ý nghĩa to lớn về kinh tế - chính trị - xã hội - quốc phòng, an ninh. Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện”.

 

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 05/6/2003 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg thành lập KKTM Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Đây là KKT ven biển đầu tiên của Việt Nam với tổng diện tích tự nhiên hơn 32.400 ha.

Gần 8 năm qua, KKTM Chu Lai đã mang lại những kết quả nhất định, góp phần tạo ra diện mạo ban đầu cho KKTM, tạo tiền đề và kinh nghiệm cho sự phát triển các giai đoạn tiếp theo của KKTM cũng như trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

 

                                                     

Những kết quả đạt được

Về quy hoạch, kế hoạch

Đến nay, về cơ bản các quy hoạch liên quan như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng và Quy hoạch sử dụng đất KKTM Chu Lai đã được phê duyệt, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng và kêu gọi đầu tư; các đồ án Quy hoạch hệ thống hạ tầng KKTM Chu Lai tỷ lệ 1/10.000; quy hoạch chung 1/5.000, quy hoạch chi tiết 1/2.000, 1/500 các khu chức năng trên địa bàn KKTM Chu Lai đã được phê duyệt.

Về cơ chế chính sách

Trong giai đoạn 2003 - 2010, UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của KKTM Chu Lai, Quy chế hoạt động của Khu thương mại tự do, các chủ trương chính sách, cơ chế đặc thù về việc đầu tư các dự án lớn như Trung tâm công nghiệp cơ khí và ôtô quốc gia, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, dự án tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh giảm nhẹ thiên tai vùng ven biển tỉnh Quảng Nam, dự án cầu Cửa Đại; cơ chế đầu tư luồng vào cảng Kỳ Hà cho tàu 20.000 ĐWT, cơ chế giãn thuế cho Công ty Trường Hải để đầu tư hạ tầng KCN và các dự án sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, theo đề nghị của Ban Quản lý KKTM Chu Lai, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, quy chế liên quan đến hoạt động của KKTM Chu Lai như: Cơ chế khuyến khích đầu tư vào KKTM Chu Lai; Quy chế thưởng vận động đầu tư vào KKTM Chu Lai; Quyết định phân cấp, uỷ quyền cho Ban Quản lý KKTM Chu Lai; Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý KKTM Chu Lai với các ngành và địa phương; Quy chế “một cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục đầu tư; công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý KKTM Chu Lai. Tất cả những việc làm này được các nhà đầu tư hoan nghênh và đánh giá cao. Đến nay, về cơ bản các dự án đầu tư vào KKTM Chu Lai không gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.

Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Bằng nguồn vốn ngân sách đã cấp và các nguồn vốn khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý KKTM Chu Lai phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đầu tư nhiều công trình hạ tầng quan trọng, như: các công trình giao thông kết nối KKTM Chu Lai với các khu vực trong nước và thế giới (luồng và bến cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, đường ven biển, đường nối cảng Tam Hiệp với đường cao tốc, đường trục chính qua khu đô thị Tam Phú ...); đầu tư hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc để phục vụ nhà đầu tư, các khu tái định cư như Tam Hiệp, Chợ Trạm, 617, Tam Quang huyện Núi Thành, khu tái định cư Lệ Sơn, Nồi Rang, Hồng Triều huyện Duy Xuyên và Bình Dương huyện Thăng Bình, đặc biệt đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh 02 KCN Tam Hiệp và Bắc Chu Lai với tổng diện tích hơn 500 ha đến nay đã lấp đầy khoảng 90%, góp phần hình thành diện mạo ban đầu của KKTM Chu Lai.

Các công trình liên quan quan trọng khác, như: cầu Cửa Đại; tuyến đường ven biển nối Hội An đến Chu Lai; nạo vét luồng từ phao số 0 đến cảng Kỳ Hà cho tàu 20.000 DWT và từ cảng Kỳ Hà vào cảng Tam Hiệp cho tàu 10.000 DWT; nạo vét sông Trường Giang phục vụ thoát lũ khẩn cấp và phục vụ giao thông, du lịch, các tuyến đường nối từ quốc lộ 1A đến đường ven biển… đang được khẩn trương tiến hành đầu tư.

Bên cạnh đó, thời gian qua, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư được ưu tiên tập trung thực hiện. Đến nay về cơ bản không còn tồn tại lớn trong việc bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải toả. Nhìn chung, cuộc sống của người dân nơi ở mới có điều kiện tốt hơn nơi ở cũ, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định.

Các lĩnh vực kế hoạch tài chính, công tác giải ngân, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường đã dần đi vào nề nếp và đạt nhiều kết quả. Công tác thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán, đấu thầu, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường... cơ bản đáp ứng yêu cầu của các chủ đầu tư, các nhà đầu tư và theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện triệt để, thời gian giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư được rút ngắn tối đa so với quy định chung, được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Thu hút đầu tư

Đến nay, trên địa bàn KKTM Chu Lai có tổng cộng 66 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,7 tỷ USD, trong đó có 45 dự án đang hoạt động. Tổng vốn thực hiện đầu tư hơn 600 triệu USD. Một số dự án quy mô lớn, như: Tổ hợp KCN cơ khí ôtô Chu Lai Trường Hải, các nhà máy ôtô tải, ôtô du lịch, ôtô khách, các nhà máy cơ khí, sản xuất phụ tùng và công nghiệp phụ trợ với tổng công suất 55.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD; Nhà máy kính nổi Chu Lai công suất 1.300 tấn/ngày đêm, vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD; Nhà máy sản xuất soda Chu Lai công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư 120 triệu USD; Nhà máy sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời công suất 120 MW/năm, vốn đầu tư 390 triệu USD…

                                                       

                                                     Công ty ô tô du lịch Trường Hải  - Kia

Hiện nay, Tỉnh đang tập trung thu hút một số dự án đầu tư lớn, như: Dự án sản xuất động cơ công suất 100.000 động cơ/năm của Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc liên doanh với Công ty cổ phần ôtô Trường Hải, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 25.000 động cơ/năm, vốn đầu tư 165 triệu USD (mới đây, tập đoàn Hyundai và Công ty cổ phần ôtô Trường Hải đã chính thức ký kết thỏa thuận đầu tư, hiện đang lập thủ tục cấp phép đầu tư, bắt đầu triển khai vào tháng 10 năm 2011 và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2012); Dự án sản xuất và lắp ráp ôtô công suất 100.000 xe/năm của Tập đoàn KIA Hàn Quốc với quy mô 100.000 xe/năm, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2015.  

Ngoài ra, UBND tỉnh đã cấp phép dự án đầu tư Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của Công ty liên doanh đầu tư Genting VinaCapital với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD thực hiện tại huyện Duy Xuyên và Thăng Bình (hiện nay đang tiến hành công tác bồi thường thiệt hại, GPMB và nhà đầu tư sẽ bắt đầu triển khai xây dựng trong năm 2012). UBND tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng dự án Khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 thực hiện tại Duy Xuyên với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD (nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư).

Hiệu quả đầu tư

Có thể nói, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn KKTM Chu Lai trong thời gian qua đã có hiệu quả. Từ năm 2007 đến nay, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn so với toàn tỉnh Quảng Nam: giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 1.341 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2011 đạt 800 tỷ đồng, chiếm 14,36% so với cả tỉnh; tổng số thu ngân sách phát sinh trên địa bàn KKTM Chu Lai năm 2010 đạt 2.477 tỷ đồng, 3 tháng đầu năm 2011 đạt 2.033 tỷ đồng, chiếm 58,2% thu ngân sách toàn tỉnh, dự kiến cả năm 2011 đạt 3.500 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 11.000 lao động, trong đó hơn 90% là lao động địa phương; kim ngạch xuất khẩu từng bước tăng dần qua các năm, riêng 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt 31 triệu USD, chiếm 25,1% so với cả tỉnh, chủ yếu là xuất khẩu hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu giấy, thủy sản…

Những tồn tại và nguyên nhân

Mặc dù đạt được những kết quả như trên nhưng so với những lợi thế về vị trí địa lý của KKTM Chu Lai cũng như so với các chủ trương ban đầu của Bộ Chính trị về việc thành lập KKTM Chu Lai thì những kết quả nêu trên còn khiêm tốn và chưa đạt được mục tiêu mà Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Những tồn tại trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Cơ chế tài chính cho KKTM Chu Lai trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn đầu mới thành lập không ổn định và không đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư

Theo tinh thần Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho KKTM Chu Lai tương ứng với 100% số thu phát sinh trên địa bàn KKTM trong 10 năm đầu và 50% trong 10 năm tiếp theo. Tuy nhiên cơ chế này chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn (chỉ 1 năm), đến khi Chính phủ ban hành Quyết định 185/2003/QĐ-TTg ngày 10/9/2003 bãi bỏ cơ chế này trên toàn quốc, kể cả đối với KKTM Chu Lai và chuyển sang cơ chế cấp phát ngân sách theo danh mục đầu tư được phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án thì nguồn vốn ngân sách bị giảm đột ngột, từ 400 đến 500 tỷ đồng mỗi năm xuống còn khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm, thậm chí còn ít hơn trong những năm gần đây. Trong khi đó, căn cứ vào cơ chế này (để lại toàn bộ nguồn thu), UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý KKTM Chu Lai lập và trình phê duyệt các công trình cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng (thời điểm phê duyệt vào năm 2005) và dự tính trong vòng từ 5 đến 7 năm sẽ hoàn thành các hạ tầng cơ bản trong KKTM Chu Lai, đảm bảo các điều kiện thiết yếu như: bến cảng, sân bay, khu dân cư, KCN, các tuyến giao thông liên vùng để thu hút các nhà đầu tư. Tuy vậy, khi thay đổi cơ chế thì KKTM Chu Lai không đủ nguồn để bố trí cho các công trình đang thi công dở dang, nên từ năm 2006 đến nay nhiều công trình buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng thi công, do đó không phát huy hiệu quả. Vì vậy, đến nay kết cấu hạ tầng KKTM Chu Lai vẫn còn yếu kém, chưa đồng bộ và không đảm bảo yêu cầu cho phát triển.

Mặc khác, mặc dù quy chế hoạt động KKTM Chu Lai có quy định các công trình hạ tầng được đầu tư từ nguồn vốn ODA, nhưng đến nay chưa có công trình hạ tầng nào của KKTM Chu Lai được đầu tư bằng nguồn vốn này (trừ bệnh viện đa khoa TW từ nguồn ODA Hàn Quốc), các nguồn vốn khác từ quỹ đất huy động không đáng kể do thị trường bất động sản chưa phát triển.

Cơ chế ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược

Mục tiêu ban đầu của việc hình thành KKTM Chu Lai theo chủ trương của Bộ Chính trị là thí điểm áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, có môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế (có thể ưu đãi vượt ngoài khung các quy định pháp luật hiện hành) nhưng quá trình triển khai không thực hiện được những ý tưởng đó. Cho đến nay, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư dành cho KKTM Chu Lai chỉ được áp dụng những điểm cao nhất của pháp luật Việt Nam về ưu đãi đầu tư như đối với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ví dụ như các dự án đầu tư vào địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nếu không có KKTM Chu Lai thì vẫn được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất do đây là khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn).

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn nhiều yếu kém, chưa đảm bảo cho phát triển

Chính vì nguồn vốn đầu tư không đảm bảo nên việc đầu tư hạ tầng cho KKTM Chu Lai thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Có thể nói rằng, hạ tầng chung của KKTM Chu Lai chưa được đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông như sân bay, bến cảng, hạ tầng xã hội còn thiếu và chưa đạt chuẩn quốc tế (chưa có trường đào tạo nghề chất lượng cao, bệnh viện, khu vui chơi giải trí...), hạ tầng các KCN chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng nguồn lao động thấp, thị trường tiêu thụ tại chỗ nhỏ bé...

Thiếu dự án động lực có tính chất lan tỏa, kích thích các dự án khác cùng triển khai

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của KKTM Chu Lai là trong giai đoạn đầu thành lập KKTM Chu Lai chưa xác định đúng định hướng phát triển KKTM Chu Lai, chưa xác định được dự án động lực làm đòn bẩy kích thích các dự án khác cùng triển khai (ví dụ như mô hình Nhà máy lọc dầu của KKT Dung Quất, Nhà máy sản xuất thép tại KKT Vũng áng). Đến cuối năm 2009, đầu năm 2010 mới xác định được ngành công nghiệp cơ khí ôtô là ngành công nghiệp ưu tiên phát triển tại KKTM Chu Lai và từ đó mới có chiến lược phát triển, chiến lược thu hút đầu tư đúng đắn. 

Những giải pháp chủ yếu

Định hướng phát triển KKTM Chu Lai và vùng Đông của tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới được xác định là: Tiếp tục xây dựng KKTM Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy công nghiệp cơ khí ôtô làm trung tâm, kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghiệp có kỹ thuật cao. Đồng thời tập trung phát triển các ngành dịch vụ như du lịch, đô thị, vận tải hàng hoá và hành khách quốc tế, dịch vụ thương mại, trong đó dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An là dự án động lực của vùng Đông. Có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thực sự thông thoáng, vượt trội, hấp dẫn và được hưởng những cơ chế đặc thù nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực tạo ra hạ tầng hoàn thiện để thu hút được các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển tỉnh Quảng Nam nói riêng và vùng kinh tế động lực miền Trung.

Từ định hướng đó, Ban Quản lý KKTM Chu Lai đề ra những giải pháp cụ thể như sau:

Về cơ chế chính sách

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành TW nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù và xúc tiến các dự án quan trọng, có tính đột phá để phát triển KKTM Chu Lai và vùng đông như dự án sản xuất lắp ráp ôtô KIA; dự án sản xuất động cơ Huyndai; dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; dự án đầu tư, phát triển sân bay Chu Lai, sản xuất thiết bị, linh kiện, phụ tùng và sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; dự án trường đào tạo nghề chất lượng cao và một số dự án quan trọng khác.

Công tác tài chính, kế hoạch

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra thì nhu cầu vốn từ nay đến năm 2016 khoảng 11.230 tỷ đồng (trong đó GPMB 600 tỷ đồng, đầu tư các công trình giao thông 9.250 tỷ đồng, xây dựng các khu tái định cư 1.130 tỷ đồng, xây dựng các hạ tầng thiết yếu khác 250 tỷ đồng). Ngoài nguồn vốn ngân sách được cấp sẽ khai thác có hiệu quả nguồn lực địa phương từ đất đai, tài nguyên khoáng sản trong khu vực dự án. Trong giai đoạn đầu xin cơ chế tín dụng ưu đãi để thực hiện, như vay vốn tồn ngân kho bạc, vay vốn Ngân hàng phát triển để thực hiện đầu tư các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, phòng chống thiên tai, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo…., bồi thường GPMB tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư và trả nợ từ việc khai thác có hiệu quả từ các dự án này.

Công tác bồi thường, GPMB và an sinh xã hội

- Chọn dự án bồi thường, giải tỏa trắng 2.000 ha tạo quỹ đất sạch là dự án điểm về GPMB do doanh nghiệp giải tỏa, UBND tỉnh bảo lãnh vay vốn Ngân hàng phát triển, vay vốn tồn ngân kho bạc.

- Thực hiện tốt công tác bồi thường, GPMB các dự án đang triển khai để nhà đầu tư thực hiện dự án đúng kế hoạch, trong đó tập trung vào một số công trình trọng điểm như: cầu Cửa Đại; 3 tuyến đường phòng tránh lụt bão, cứu hộ, cứu nạn Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành; nạo vét sông Trường Giang và luồng Kỳ Hà; KCN cơ khí đa dụng và ôtô tại Tam Anh; KCN - hậu cần cảng Tam Hiệp; khu dân cư phía Tây đường An Hà - Quảng Phú; khu đô thị sinh thái Nam Tam Phú, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, các dự án sắp xếp dân cư ven biển ...

- Thành lập Quỹ An sinh xã hội Chu Lai từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhằm thực hiện đào tạo nghề, hỗ trợ các đối tượng thuộc diện GPMB chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho nông dân và hỗ trợ ổn định đời sống của các đối tượng hết tuổi lao động.

Công tác quy hoạch, xây dựng cơ bản

- Điều chỉnh quy hoạch KKTM Chu Lai theo định hướng phát triển mới.

- Tiếp tục thực hiện các dự án đang triển khai và phấn đấu đến cuối năm 2012 hoàn thành dự án luồng vào cảng Kỳ Hà cho tàu 20.000 DWT và cảng Tam Hiệp cho tàu 10.000 DWT; cuối năm 2012 hoàn thành dự án nạo vét thoát lũ sông Trường Giang; cuối năm 2014 hoàn thành dự án cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển nối Hội An đến giáp KKTM Chu Lai; hoàn thành xây dựng hạ tầng các khu dân cư tái định cư, hạ tầng các KCN, đầu tư nâng cấp cảng Kỳ Hà đảm bảo tiếp nhận tàu 20.000 DWT.

- Tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BT; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tam Tiến - Tam Hoà, trước mắt ưu tiên đầu tư các cầu trên tuyến ven biển và cầu qua sông Trường Giang nối vùng Đông.     

- Tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư

các KCN tích cực đầu tư hạ tầng để kêu gọi đầu tư (KCN Bắc Chu Lai giai đoạn 2, KCN - hậu cần cảng Tam Hiệp, KCN cơ khí ôtô và bến cảng Tam Hiệp).

Công tác quản lý tài nguyên, môi trường

- Xây dựng Phương án tận thu khoáng sản trong quá trình phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch trên địa bàn KKTM Chu Lai, trong phạm vi dự án tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh giảm nhẹ thiên tai vùng ven biển và các khu vực lân cận để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy kính, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch.

- Tiếp tục thực hiện dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại KCN Bắc Chu Lai và triển khai dự án Nhà máy xử lý nước thải tại KCN Tam Hiệp.

Công tác tổ chức cán bộ và lao động

- Ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng nhà ở công nhân và triển khai dự án xây dựng nhà ở công nhân tại KKTM Chu Lai.

- Xây dựng trường Cao đẳng nghề chất lượng cao trên địa bàn KKTM Chu Lai nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án.

- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục đầu tư tại KKTM Chu Lai theo hướng Ban Quản lý KKTM Chu Lai là cơ quan đầu mối trong việc giải quyết mọi thủ tục cho nhà đầu tư; rút ngắn tối thiểu 1/3 thời gian giải quyết thủ tục so với quy định chung.

Qua 8 năm tìm tòi thử nghiệm,  KKTM Chu lai đã gặp không ít khó khăn thách thức, nhưng với sự kiên trì mục tiêu đã chọn, tỉnh táo nhìn nhận những thiếu sót khuyết điểm, sáng tạo tìm cách làm mới phù hợp với đặc điểm riêng của KKTM Chu Lai trong điều kiện hội nhập. Đến nay, KKTM Chu lai đã thoát khỏi khó khăn, bước đầu đạt được kết quả quan trọng làm tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vu giai đoạn 2011-2015. Đây là nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng hoàn toàn có thể thực hiện nhằm xây dựng thành công KKTM Chu Lai, góp phần đưa Quảng Nam thành tỉnh công nghiêp trước năm 2020.

 

Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban, Ban Quản lý KKTM Chu Lai