vienko

Font Size

SCREEN

Profile

Layout

Menu Style

Cpanel

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai

Ngày 10/7/1999 Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 232-TB/TW chọn khu vực Chu Lai, Quảng Nam để xây dựng khu kinh tế mở (KKTM) đầu tiên của cả nước. Đến ngày 27/9/2002, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Thông báo số 79-TB/TW một lần nữa khẳng định chủ trương xây dựng KKTM Chu Lai. Để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 05/6/2003 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg là cơ sở pháp lý đầu tiên để xây dựng KKTM Chu Lai.

 

 

 

Sau hơn 8 năm đầu tư và xây dựng, bộ mặt KKT đầu tiên của đất nước đã được hình thành. Ngay sau khi được thành lập, Quảng Nam đã tiến hành lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch; tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhân dân vùng dự án; thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu; tổ chức nhiều hoạt động thu hút đầu tư... Từ những việc làm cụ thể đó đã tạo ra được quỹ đất sạch và hệ thống hạ tầng khung cơ bản đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm đến KKTM Chu Lai và không ít trong số đó đã thành công tại đây.

 

Những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Đến nay, trên địa bàn KKTM Chu Lai có tổng cộng 70 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 5,9 tỷ USD, trong đó có 48 dự án đang hoạt động. Tổng vốn thực hiện đầu tư hơn 700 triệu USD. Một số dự án quy mô lớn đã đầu tư như Tổ hợp KCN cơ khí ôtô Chu Lai Trường Hải, Nhà máy kính nổi Chu Lai, Nhà máy sản xuất soda Chu Lai, Nhà máy sản xuất động cơ Hyundai, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Khu du lịch sinh thái Chu Lai...

                                       .

 

Một số hạn chế

 
 

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong quá trình hoạt động và phát triển KKTM Chu Lai vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

 
 

Cơ chế tài chính trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn đầu mới thành lập không ổn định và không đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư. Từ cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng tương ứng với 100% số thu phát sinh trên địa bàn KKTM trong 10 năm đầu và 50% trong 10 năm tiếp theo (Quyết định 108/2003/QĐ-TTg) chuyển sang cơ chế cấp phát ngân sách theo danh mục đầu tư được phê duyệt (Quyết định 185/2003/QĐ-TTg) thì nguồn vốn ngân sách bị giảm đột ngột, không đủ bố trí cho các dự án hạ tầng quan trọng nên đến nay kết cấu hạ tầng KKTM Chu Lai vẫn còn yếu kém, chưa đồng bộ và không đảm bảo yêu cầu cho phát triển.

 
 

Cơ chế ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Chủ trương ban đầu của Bộ Chính trị và Chính phủ là thí điểm áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, có môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng quá trình triển khai không thực hiện được những ý tưởng đó. Cho đến nay, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư dành cho KKTM Chu Lai chỉ được áp dụng như đối với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên không đủ điều kiện để thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng quy mô lớn cũng như các dự án sản xuất kinh doanh chiến lược làm dự án động lực.

 
 

KKTM Chu Lai ban đầu thiếu dự án động lực có tính chất lan tỏa, kích thích các dự án khác cùng triển khai như mô hình Nhà máy lọc dầu của KKT Dung Quất, Nhà máy sản xuất thép tại KKT Vũng #áng. Sau 8 năm, KKTM Chu Lai mới tìm ra và được Chính phủ, các Bộ ngành đồng ý cho xây dựng KCN cơ khí đa dụng và ôtô quốc gia. Chính nhờ dự án động lực này đã hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn cho KKT.

 
 

Về khung pháp lý cho KKT: Hoạt động của KKTM Chu Lai nói riêng và các KKT ven biển nói chung là hoạt động tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực nhưng chỉ được điều chỉnh bởi Nghị định 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong khi hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đều không quy định hoặc quy định một cách khái quát về KKT nên khó thực hiện, nhiều chủ trương quy định tại Quy chế hoạt động KKT không thực hiện được do chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc bị các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn phủ quyết.

 
 

 

 
 

Tiếp tục xây dựng KKTM Chu Lai theo mô hình KKT tổng hợp

 
 

Qua hơn 8 năm xây dựng KKTM Chu Lai, có thể khẳng định rằng kết quả đạt được vẫn là cơ bản, bộ mặt ban đầu của KKTM Chu Lai đã hình thành, đời sống nhân dân vùng dự án từng bước được nâng cao; những tồn tại có thể khắc phục được nếu có những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp. Điều đó khẳng định mô hình phát triển KKTM Chu Lai với một không gian kinh tế riêng biệt và những cơ chế đặc thù là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đất nước, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định tính đúng đắn về chủ trương xây dựng KKTM Chu Lai nói riêng và KKT ven biển nói chung của Bộ Chính trị và Chính phủ.

 
 

Vì vậy, mục tiêu của tỉnh Quảng Nam là tiếp tục xây dựng KKTM Chu Lai theo mô hình KKT tổng hợp, lấy công nghiệp cơ khí ôtô làm trung tâm, kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghiệp có kỹ thuật cao. Đồng thời tập trung phát triển các ngành dịch vụ du lịch, công nghệ,  thương mại, đô thị, vận tải hàng hoá và hành khách quốc tế. Có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thực sự thông thoáng, hấp dẫn cho từng dự án cụ thể nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực tạo ra hạ tầng hoàn thiện để thu hút được các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh để đến năm 2020 trở thành khu vực phát triển năng động, một trung tâm công nghiệp - du lịch dịch vụ của tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng vai trò quyết định thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia.

 
 

Để phát triển KKTM Chu Lai nói riêng theo đúng mục tiêu, định hướng ban đầu của Bộ Chính trị, Chính phủ và phát triển các KKT ven biển nói chung, Quảng Nam xin kiến nghị:

 
 

- Tiếp tục phát triển mô hình KKT ven biển theo quy hoạch đã được phê duyệt, tuy vậy trong quá trình phát triển cần dựa vào điều kiện vị trí địa lý, lợi thế so sánh cũng như yêu cầu cụ thể của từng KKT để chọn lựa một số KKT xây dựng thành KKT trọng điểm quốc gia, đồng thời cho phép áp dụng thí điểm những chính sách vượt trội, những mô hình mới thích hợp để tạo thành một khu vực năng động, làm đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội vùng hoặc phát triển ngành, lĩnh vực.

 
 

KKTM Chu Lai, tỉnh Quảng Nam có vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm của Việt Nam cũng như khu vực ASEAN, có sân bay Chu Lai đã được quy hoạch thành sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế, có hệ thống cảng Kỳ Hà - Dung Quất với mớn nước sâu đủ điều kiện để tiếp nhận các loại tàu có trọng tải lớn và kết nối thuận lợi với hệ thống hàng hải quốc tế, nằm trên trục đường sắt, đường bộ quốc gia như Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ven biển 129, các trục giao thông nối với Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan với cự ly gần nhất. Đặc biệt KKTM Chu Lai đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép triển khai dự án KCN cơ khí đa dụng và ôtô làm dự án động lực, góp phần phát triển tỉnh Quảng Nam, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam; Ngoài ra, còn có các khu vui chơi, nghỉ dưỡng đặc thù. Đây chính là cơ sở ban đầu hình thành một thành phố công nghiệp - dịch vụ - du lịch. Vì vậy, đề nghị chọn KKTM Chu Lai xây dựng thành một trong những KKT trọng điểm quốc gia.

 
 

- Mỗi KKT cần có tối thiểu một dự án động lực và Nhà nước phải tập trung nguồn lực cho dự án này, kể cả những cơ chế đặc thù. Đối với KKTM Chu Lai, đề nghị cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế đặc thù về đầu tư hạ tầng cũng như chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án KCN cơ khí đa dụng và ôtô tập trung và khu du lịch nghỉ dưỡng để đủ điều kiện thu hút đầu tư và triển khai dự án thành công.

 
 

- Các Bộ ngành Trung ương đẩy mạnh phân cấp hơn nữa cho Ban Quản lý các KKT ven biển, tạo sự chủ động cho Ban Quản lý trong tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của KKT, từ cơ chế tài chính, khai thác đất đai, tài nguyên đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư cũng như sử dụng lao động và cơ chế tiền lương phù hợp.

 
 

- Nâng khung pháp lý cho KKT thành luật để tương thích với hệ thống pháp luật chung, đồng thời trong những văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cần quy định rõ về hoạt động của KKT, đảm bảo điều kiện cần và đủ để Ban Quản lý KKT thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

 
 

 

 
 

Nguyễn Đức Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam,