vienko

Font Size

SCREEN

Profile

Layout

Menu Style

Cpanel

Một số giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai

Thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Khu kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước, được Chính phủ cho phép thành lập năm 2003. Tính đến ngày 31/6/2010, KKTM Chu Lai có 61 dự án đã cấp phép đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 1,5 tỉ USD, trong đó có 45 dự án công nghiệp với tổng vốn hơn 1 tỉ USD. Tổng giá trị sản  xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2010 (giá cố định năm 1994) đạt 499 tỷ đồng, một số doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp cao như Công ty TNHH sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai Trường Hải (89,7 tỷ đồng), Công ty TNHH CCI Việt Nam (28,5 tỷ đồng), Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai (69,7 tỷ đồng)….

Trên cơ sở mục tiêu phát triển thành khu kinh tế tổng hợp lấy trọng tâm là các ngành công nghiệp, hiện tại KKTM Chu Lai có nhiều nhà máy họat động trong các lĩnh vực khác nhau từ công nghiệp nhẹ đến công nghiệp nặng. Trong đó có một số nhà máy sản xuất các ngành công nghiệp hỗ trợ như nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH CCI Việt Nam, chuỗi các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng và thiết bị ô tô của Công ty Cổ phần ô tô Chu Lai - Trường Hải, nhà máy sản xuất máy phát điện và máy chuyên dùng Hữu Toàn...

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, tại KKTM Chu Lai các ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau: nếu như việc định hướng phát triển thành một khu kinh tế tổng hợp giúp Chu Lai có thể thích ứng được với các nhu cầu khác nhau từ nhiều nhà đầu tư thì mặc trái của nó là tạo nên sự phát triển rộng mà không sâu. Vì vậy, tại KKTM Chu Lai vẫn chưa tạo được mũi nhọn thực sự cho phát triển các ngành công nghiệp, cản trở phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; Các chiến lược phát triển vẫn chưa quan tâm nhiều đến các ngành công nghiệp hỗ trợ. Sự đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn manh muống, tự phát, chưa có kế hoạch và định hướng phát triển rõ ràng.  Trong quá trình phân công lao động quốc tế, tạo sự chuyên nghiệp hoá và hiện đại hoá, việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ góp phần lớn trong việc gia tăng công nghệ trên từng chi tiết sản phẩm. Trên phạm vi quốc gia, các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển giúp nền sản xuất trở nên chủ động, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và hạn chế nhập khẩu. Các dự án lớn luôn được đặt trong mối quan hệ khắng khít với các ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc hoàn thiện để đưa ra sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, một thực tế có thể nhận thấy ở nước ta nói chung và từng địa phương nói riêng là các nhà máy đều dừng lại ở mức độ gia công và lắp ráp. Các linh kiện, thiết bị hầu hết đều được nhập khẩu từ nước ngoài và qua quá trình lắp ráp trong nước để tạo ra sản phẩm. Thậm chí ngay cả với những ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu như dệt may thì hầu hết các nguyên liệu đều phải nhập khẩu. Ước tính có tới 70% tổng kiêm ngạch nhập siêu thuộc về ngành sản xuất công nghiệp.

Mặc dù trước mắt, ngành công nghiệp vẫn tạo ra một “con số” lợi nhuận kinh tế nhất định cho các nền kinh tế nhưng xét về lâu dài thì lại tìm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu như xu hướng hiện tại của ngành sản xuất công nghiệp thế giới là tối thiểu hoá các chi phí tăng thêm, nâng cao công nghệ để gia tăng tính cạnh tranh thì các công ty Việt Nam lại đang bỏ ra rất nhiều thời gian và chi phí để nhập khẩu các linh kiện, thiết bị; tạo ra được sản phẩm cuối cùng nhưng hầu như công nghệ thì không nắm bắt được gì. Chính vì vậy, ngành công nghiệp nước ta không những không theo kịp các nước tiên tiến mà khoảng cách phát triển ngày càng xa hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng cho sản xuất, có xu hướng chuyển dời các cơ sở, nhà máy ra khỏi Việt Nam hoặc tìm nhà cung ứng từ các quốc gia khác như Thái Lan, Singapore, …….

Như vậy, việc chưa quan tâm phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ vừa làm mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư FDI vừa làm hạn chế sự phát triển khoa học công nghệ cho các ngành sản xuất trong nước không chỉ tại KKTM Chu Lai mà ở tất cả các địa phương khác trong cả nước. Với mục tiêu phần đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp thì việc đầu tư tìm ra giải pháp để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ là hoàn toàn cần thiết.

 

         Trong định hướng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của mình, KKTM Chu Lai xác định một số giải pháp như sau:

         Thứ nhất, cần phải xác định ngành công nghiệp mũi nhọn cho khu kinh tế để làm động lực và tạo môi trường kích thích các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển: Hiện tại, KKTM Chu Lai đã xác định công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn, tập trung đầu tư phát triển KKTM Chu Lai thành trung tâm cơ khí ô tô quốc gia. Theo số liệu thống kê, nước ta hiện nay mới chỉ sản xuất được 20-30% linh kiện, thiết bị phục vụ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô. Trong khi đó để sản xuất ra một chiếc ô tô cần tới gần 2 vạn linh kiện. Như vậy, thị trường phát triển ngành công nghiệp sản xuất linh liện và thiết bị ô tô là rất lớn và nhiều tiềm năng.           Ngoài ra, KKTM Chu Lai nằm gần kề với KKT Dung Quất nên việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp lọc hoá dầu cũng là hướng cần nghiên cứu.           Thứ hai, cần quy hoạch các khu và cụm công nghiệp chuyên ngành để phát triển công nghiệp hỗ trợ dựa trên đặc điểm và nhu cầu của khu kinh tế, trong đó khu công nghiệp cơ khí ô tô là ưu tiên hàng đầu.

         Thứ ba, để tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, cần thiết phải có cơ chế chính sách riêng cho các ngành công nghiệp hỗ trợ và lồng ghép chiến lược phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.            Thứ tư, cần đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề có chất lượng cao để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của các ngành phụ trợ.                         

                                                                                           Nguyễn Văn Lúa                                                                  Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai