vienko

Font Size

SCREEN

Profile

Layout

Menu Style

Cpanel

Chạm vào giấc mơ

Miền cát nóng. Đâu đó vẫn còn những gian lao, nhưng cùng với hơi thở thị thành đang lan dần phía vùng đông, Tam Thăng (Tam Kỳ) bừng tỉnh với cuộc đổi đời. Mảnh đất dày truyền thống cách mạng, nay thực sự chạm tới giấc mơ của một thời: vùng công nghiệp.

images.baoquangnam.vn-dataimages-201803-original-_images1423439_bk.jpg
Khu công nghiệp Tam Thăng đánh thức cơ hội cho vùng quê cách mạng. Ảnh: THÀNH CÔNG

Từ trong gian khó

Ngã tư đường vào Khu công nghiệp Tam Thăng, giờ vào ca, dòng người đổ về ken đặc. Hàng quán hai bên đường, tiếng lao xao vốn một thời chỉ ở bên kia cầu Nguyễn Văn Trỗi, nay đã tràn về vùng Tam Thăng, nơi không lâu trước đó vẫn là “vùng ven” của phố thị Tam Kỳ. “Chiếc áo” thị thành được nới rộng từ quy hoạch chiến lược cho vùng đông, từ những toan tính lâu dài về phía bên kia sông Bàn Thạch nay khoác lên cho miền quê cát một dáng hình rất khác. Là phố, dù nhà cửa, đường sá vẫn còn phảng phất nét quê, nhưng nhịp sống thì rõ ràng mang hơi thở của thành thị. Từ khi đường sá thông thoáng, tuyến ven biển nối về Tam Kỳ, vùng đất cát Tam Thăng trở nên ồn ã. Dịch vụ phát triển chóng mặt, khi dự án đầu tư liên tiếp đổ về, công nhân trong và ngoài tỉnh bắt đầu kéo đến. Quán cà phê mở cửa từ rất sớm, đông đặc người. Tiệm ăn, cửa hàng mọc san sát. Có cả một khu chợ di động nằm ngay ngã tư, phục vụ nhu cầu cư dân địa phương và hàng nghìn lao động của khu công nghiệp…

Vẫn còn đó biết bao thách thức. Nhưng hơi thở thị thành cùng nhịp điệu của một vùng công nghiệp đang bừng tỉnh đã hiện thực hóa giấc mơ một thời của Tam Thăng, vùng quê cách mạng. Cát, có lẽ đã bớt nóng dưới chân người…

Thật khó hình dung, nơi này đã từng một thời chật vật với bao toan lo của một vùng nông nghiệp. Ông Lê Tú (91 tuổi, thôn Vĩnh Bình) - cán bộ lão thành cách mạng ở địa phương kể với tôi, rằng ngày trước, biết bao con dân của Tam Thăng từng đổ mồ hôi xuống đại công trình thủy nông Phú Ninh, nhưng rồi địa thế của vùng đất khiến Tam Thăng hàng chục năm không được hưởng một giọt nước tưới tiêu nào cho đồng ruộng. Trên đất cát nóng bỏng, bạc màu, cây lúa, cây màu héo hắt bám trụ. “Cây dương trên đất cát, ba mươi năm tuổi mà còi cọc, chỉ to bằng cái bắp tay. Dân đi gánh từng xô nước tưới cho rau, cho cây. Mười mấy năm sau giải phóng, chắc phải chín mươi chín phần trăm dân ở Tam Thăng là sống nhờ nông nghiệp. Mà đâu có được như nơi khác, đất bạc màu, người làm nông ở đây khổ gấp mấy lần nơi khác” - ông Tú nhớ lại. Khói lửa chiến tranh đã đi qua, nhưng đạn bom thì còn nằm đó. Dân Tam Thăng đi khai hoang, vỡ ruộng, nhặt không biết bao nhiêu bom mìn chiến tranh còn sót lại. Loay hoay mãi với nông nghiệp, với cơ cực, nên đến khi Tam Kỳ trở thành đô thị, thì Tam Thăng vẫn như lạc loài với dáng vóc của phố. Giọt nước tưới vừa rơi xuống, ngoảnh nhìn lại đã thấy khô rốc màu cát trắng, sau dấu chân người…

Hình hài đô thị

Gian khó, như ngọn lửa hun đúc nên ý chí, khao khát của đất và người Tam Thăng. Từ cái nôi cách mạng, bao thế hệ người Tam Thăng vịn lấy truyền thống hào hùng của quê hương mình mà bước qua khắc nghiệt của thổ nhưỡng, nắm lấy thời cuộc. Năm 1997, trở thành dấu mốc chuyển mình của Tam Thăng, hòa chung những thay đổi của quê hương ngày tái lập. Nhưng những bước đi còn chậm. Tam Thăng khi đó, chưa có một điểm tựa, để đổi khác, để bứt phá. Ông Châu Ngọc Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng nói, đến năm 2010 cơ sở hạ tầng của xã mới được đầu tư mạnh, nhất là việc chủ động nước tưới nhờ hệ thống 6 trạm bơm và công trình thủy lợi, năng suất thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp 10 lần so với năm 2000. Đáng mừng, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đã vượt hơn gấp 3 lần, từ 9 triệu đồng khi tái lập tỉnh lên 27,7 triệu đồng, và mục tiêu đến năm 2020 đạt mốc 40 triệu đồng. “Cha ông ở đất này, dù gian khó mấy, vẫn một lòng theo cách mạng. Bây giờ, chính sự kiên gan, cần mẫn từ trong máu ấy được chắt chiu để Tam Thăng nắm lấy cơ hội, đồng hành với sự phát triển của thành phố. Chẳng ai có thể ngờ, Tam Thăng từ một vùng đất cát, trở thành một khu công nghiệp đầy tiềm năng, thu hút mạnh mẽ đầu tư từ trong và ngoài nước. Mà làm nên điều đó, phải kể tới sự đồng thuận của nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2015, khi có chủ trương giải tỏa dành đất cho khu công nghiệp, chúng tôi vận động giải phóng được ngay 110ha mặt bằng sạch, không có những lùm xùm như ở nhiều nơi khác” - ông Cảnh chia sẻ.

Đổi thay đến từng ngày, ngay trong từng bữa cơm, trong sinh hoạt của từng gia đình. Có thể nhìn thấy rõ nhất trong tỷ trọng sản xuất kinh tế của địa phương, khi nông nghiệp nay chỉ còn 20%, phần còn lại dành cho công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Thành phố cũng đang tập trung đào tạo nghề, phát triển lao động trẻ, khôi phục làng nghề chiếu cói Thạch Tân, di tích địa đạo Kỳ Anh… trở thành một loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch trong vòng tròn khép kín từ biển Tam Thanh, quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, danh thắng hồ Phú Ninh… Và ở khu công nghiệp Tam Thăng, hiện đã có 11 trong tổng số 17 doanh nghiệp đăng ký đầu tư đã đi vào hoạt động…

Vẫn còn đó biết bao thách thức. Nhưng, hơi thở thị thành cùng nhịp điệu của một vùng công nghiệp đang bừng tỉnh đã hiện thực hóa giấc mơ một thời của Tam Thăng, vùng quê cách mạng. Cát, có lẽ đã bớt nóng dưới chân người…

 THÀNH CÔNG (Báo Quảng Nam)