Các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
KCN, KKT đã cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển
Mô hình khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) (sau đây gọi chung là KCN), khu kinh tế (KKT) ven biển, KKT cửa khẩu được hình thành và phát triển trên cơ sở đường lối "Đổi Mới" đề ra tại Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Lũy kế đến cuối tháng 4/2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 4/2021, trên phạm vi cả nước có 575 khu công nghiệp (KCN) trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219,5 ngàn ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước). Trong đó, có 392 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 119,9 ngàn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê khoảng 80,3 ngàn ha (chiếm khoảng 67% diện tích đất tự nhiên). Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.
Trong số 392 KCN được thành lập, có 286 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 85,2 ngàn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 56,4 ngàn ha và 106 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 34,7 ngàn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 18,2 ngàn ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt khoảng 43,1 ngàn ha (đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê, riêng các KCN đang hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 73,1% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê).
Về khu kinh tế, đến nay cả nước có 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha. Bên cạnh đó, có 26 KKT cửa khẩu đã được đưa vào quy hoạch, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số KKT cửa khẩu hoạt động có hiệu quả cao; đảm bảo an ninh trật tự, kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến KKT cửa khẩu.
Thời gian qua, các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lũy kế đến cuối tháng 4/2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.
Việc phát triển kết cấu hạ tầng KCN, phát triển khu chức năng trong KKT của nhà đầu tư có tác động lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư khác đầu tư vào kết cấu hạ tầng kết nối và dịch vụ tiện ích phục vụ KCN, KKT, đồng thời tạo nguồn thu NSNN để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các địa phương. Qua đó, từng bước thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển.
Đồng thời, KCN, KKT là mô hình sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Ngày 08/7/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp trực tuyến với toàn thể các KCN, KKT trên cả nước để góp ý cho Dự thảo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP |
Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cùng với sự phát triển của các KCN, KKT, khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này cần được rà soát, hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực khác. Trong đó, nhiều quy định liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, phát triển các KCN, KKT như trình tự, thủ tục đầu tư, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT là hết sức cần thiết.
Để sửa đổi Nghị định này, ngày 08/7/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp trực tuyến với toàn thể các KCN, KKT trên cả nước để góp ý cho Dự thảo Nghị định lần 2 thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuộc họp trực tuyến nhằm lắng nghe ý kiến của đại diện các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước góp ý trực tiếp vào Dự thảo Nghị định, nêu ra được những bất cập và đề ra các giải pháp.
“Đây là cuộc họp đầu tiên, tiếp theo sẽ có nhiều cuộc họp chuyên sâu hơn về mô hình tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước với KCN, KKT trong thời gian tới…”, Thứ trưởng cho biết.
Tại cuộc họp, đại diện tổ soạn thảo Nghị định cho biết, mục tiêu xây dựng Nghị định là phải đảm bảo được sửa đổi, cập nhật, phù hợp với các quy định tại các văn bản pháp quy mới liên quan được ban hành, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đồng thời kế thừa các quy định pháp luật đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, mà không phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Hai là, việc ban hành Nghị định cần thống nhất theo hướng nhằm hoàn thiện xây dựng mô hình quản lý nhà nước đối với KCN, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” gắn với năng lực quản lý của các Ban quản lý KCN, KKT để thu hút đầu tư, phát huy vai trò đầu mối của Ban quản lý KCN, KKT trong quản lý nhà nước KCN, KKT trên địa bàn.
Ba là, một số mô hình KCN mới cần được nghiên cứu quy định trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các KCN tại Việt Nam.
Dự thảo Nghị định gồm 07 Chương, 67 Điều, trong đó:- Chương I. Quy định chung.- Chương II. Phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống, đầu tư, thành lập KCN và KKT.- Chương III. Chính sách đối với KCN và KKT.- Chương IV. Một số loại hình KCN.- Chương V. Hệ thống thông tin.- Chương VI. Quản lý Nhà nước KCN và KKT.- Chương VII. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý KCN, KKT.- Chương VIII. Điều khoản thi hành |
8 điểm mới trong Nghị định sửa đổi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế một số quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về ưu đãi, thu hút nguồn đầu tư để phát triển các KCN, KKT; chuẩn hóa và hoàn thiện mô hình quản lý KCN, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” thông qua vai trò đầu mối tại Ban quản lý KCN, KKT.
Đồng thời, dự thảo Nghị định đã bổ sung một số nội dung quy định mới để đảm bảo phù hợp với các Luật mới được ban hành cũng như thực tế đầu tư phát triển các KCN, KKT trong thời gian qua.
Thứ nhất là về quản lý, điều chỉnh hoạch: Theo quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 59, Luật Quy hoạch, thì quy hoạch các KCN, KKT được tích hợp trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Do vậy, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT. Cụ thể, phương hướng xây dựng là một nội dung trong quy hoạch vùng, trong đó xác định các mục tiêu, định hướng, giải pháp và tổ chức thực hiện về phát triển KCN, KKT ở cấp vùng. Phương án phát triển hệ thống KCN, KKT là một nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó xác định số lượng, tên, diện tích và địa điểm dự kiến của KCN, KKT theo địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, dự thảo nghị định cũng bổ sung các quy định về việc lập, điều chỉnh phương hướng, phương án phát triển KCN, KKT.
Thứ hai, về phân cấp thẩm quyền: Dự thảo Nghị định ủy quyền/phân cấp việc xem xét, quyết định đối với các dự án cấp mới, điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo một trong hai phương án:
(1) Ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
(2) Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thứ ba, điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN: Dự thảo Nghị định đã bổ sung các quy định nhằm đảm bảo phù hợp với các Luật mới ban hành.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế đầu tư phát triển các KCN, KKT trong thời gian qua, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau:
- Diện tích KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tối thiểu là 75 ha; đảm bảo dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất công nghiệp của KCN để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất.
- Không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy (60%) đối với các trường hợp sau: (i) tổng diện tích đất tự nhiên của các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới 1.000 ha; (ii) KCN trước đó đã có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị chấm dứt hoạt động và giao cho nhà đầu tư mới; (iii) dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hoạt động theo các mô hình KCN sinh thái, hỗ trợ, chuyên sâu; (iv) nhà đầu tư cam kết dành tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp trong KCN để cho dự án đầu tư có công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án đổi mới sáng tạo và các dự án ưu tiên thu hút đầu tư.
- Quy định cụ thể, chi tiết hơn về phương án đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao phục vụ người lao động làm việc trong KCN.
Thứ tư, về ưu đãi đầu tư: Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong KKT hoặc dự án đầu tư thuộc diện áp dụng hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật về đầu tư thực hiện trong KCN.
Cụ thể, đối với các dự án nêu trên, sau khi dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư hoặc hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc cho phép dự án đầu tư được triển khai trước khi hoàn thành các thủ tục về xây dựng, lao động, đất đai và các thủ tục khác có liên quan thuộc thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban quản lý KCN, KKT, các Sở, ban ngành quy định tại pháp luật có liên quan. Trong trường hợp này, nhà đầu tư phải có cam kết về tiến độ hoàn thành các thủ tục và chịu trách nhiệm toàn bộ nếu không tuân thủ đúng điều kiện, quy chuẩn theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ năm, về các mô hình KCN: Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về mô hình KCN chuyên sâu. Đây là mô hình KCN chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm thuộc một ngành, nghề nhất định. Tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư vào ngành, nghề này thuê đất, thuê lại đất tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của KCN. KCN chuyên sâu được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư như áp dụng đối với KCN hỗ trợ.
Về mô hình KCN - đô thị - dịch vụ, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, trình tự, thủ tục đầu tư KCN - đô thị - dịch vụ để đảm bảo phù hợp với các Luật mới được ban hành.
Thứ sáu, phương thức huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT: Dự thảo Nghị định bổ sung các phương thức huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT: (i) tiền thuê lại đất ứng trước từ các nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất, thuê lại đất trong KCN để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của KCN; (ii) nguồn vượt thu hàng năm hoặc các nguồn vốn ngân sách nhà nước hợp pháp khác và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn KKT được để lại cho đầu tư để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong KKT.
Thứ bảy, về quản lý hoạt động chế xuất, dự thảo bổ sung quy định về doanh nghiệp chế xuất, dự án đầu tư kinh doanh hoạt động chế xuất. Hoạt động chế xuất chỉ là một hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chế xuất; việc sử dụng tài sản phục vụ cho hoạt động chế xuất đã được hưởng ưu đãi về thuế; có ý kiến hoặc đề xuất về quy định chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp chế xuất đã thành lập theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế trước đây.
Thứ tám, về giá cho thuê lại đất trong KCN, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về biện pháp xử lý trong trường hợp giá cho thuê lại đất trong KCN tăng trên 30% so với khung giá cho thuê lại đất đã đăng ký với Ban quản lý các KCN, KKT.
Cụ thể, Ban quản lý KCN, KKT quyết định việc thực hiện các biện pháp về giá sau đây:
- Trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, Ban quản lý KCN, KKT đề nghị của nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN thực hiện đăng ký lại khung giá và các loại phí trước thời hạn phải đăng ký theo quy định tại khoản 2 Điều 2 và giải trình về sự thay đổi về khung giá và các loại phí;
- Theo đề nghị của nhà đầu tư có nhu cầu thuê lại đất trong KCN để thực hiện dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, Ban quản lý KCN, KKT tổ chức hiệp thương về giá theo quy định của pháp luật về giá.
Tại cuộc họp ngày 8/7/2021, các điểm cầu trực tuyến tập trung thảo luận về một số vấn đề trọng tâm đó là tỷ lệ lấp đầy các KCN, KKT; những điều kiện đối với khu công nghiệp và khu kinh tế; điều kiện năng lực đối với nhà đầu tư; nhà ở cho công nhân; những mô hình mới; sử dụng đất trong khu công nghiệp
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp thu đầy đủ những đóng góp của các đại biểu đại diện các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước góp ý trực tiếp vào Dự thảo Nghị định, nhằm mục tiêu khi ban hành Nghị định sẽ tạo hành lang pháp lý cho các loại hình KCN mới để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các KCN, hoàn thiện mô hình KCN, KKT và giải quyết các quy định còn chưa phù hợp với văn bản pháp luật mới được ban hành, tiếp tục phân cấp ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT theo cơ chế “một cửa tại chỗ”, thuận lợi thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư”./.