Hệ thống tiêu chí xếp hạng KCN – giải pháp khả thi trong quá trình xây dựng mô hình quản lý nhà nước về KCN
Trong giai đoạn CNH, HĐH đất nước, vai trò của việc hình thành và phát triển các KCN tập trung được xem như một giải pháp cơ bản trong quá trình hình thành các khu đô thị mới, giải quyết nhu cầu việc làm, phân bố dân cư theo quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội trong từng địa phương. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó các tỉnh miền Đông Nam bộ chiếm vai trò trọng yếu, là điển hình trong cả nước về chiến lược xây dựng KCN tập trung. Xếp hạng các KCN cũng là một trong các mục tiêu của chiến lược xây dựng các KCN nhằm thực hiện CNH, HĐH tại tỉnh Đồng Nai.
Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN, với 30 KCN tập trung, thu hút trên 1.000 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư 13 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 377.000 lao động. Việc phát triển nhanh các KCN trong thời gian qua đã làm cho môi trường đầu tư trở nên sôi động và sự cạnh tranh được tính đến như là một lợi thế để thu hút đầu tư. Do đó, xếp hạng các KCN, với mục tiêu chủ yếu là đánh giá, phân loại các KCN hiện có, hoặc đang trong quá trình hình thành, nhằm giới thiệu cho nhà đầu tư những thông tin cụ thể, chính xác về các KCN mà họ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chí đánh giá tổng quát và toàn diện về KCN (hiệu quả kinh tế - xã hội, trình độ công nghệ, dịch vụ hạ tầng, xử lý môi trường, cung ứng lao động, dịch vụ hành chính…) được chính quyền địa phương tổ chức đánh giá, xếp hạng định kỳ, công khai. Có thể coi đây là một giải pháp khả thi trong quá trình xây dựng các mô hình quản lý nhà nước về KCN trong phạm vi cả nước. Thông qua việc thẩm định, đánh giá các KCN định kỳ, Nhà nước vừa kiểm soát được hoạt động của các KCN tập trung, vừa có thể hỗ trợ doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất kinh doanh trong các KCN.
Hiện
nay, Đồng Nai có 03 KCN được UBND tỉnh công nhận KCN xếp hạng I là các
KCN: Amata, Biên Hòa II và Loteco. Để được công nhận là KCN hạng I, các
KCN phải đạt được các tiêu chí hạng I về hiệu quả hoạt động của KCN, cơ
sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, phục vụ doanh nghiệp, hạ tầng xã hội liền
kề và chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty kinh doanh hạ
tầng.
Phương
thức đánh giá, xếp hạng thực hiện theo hệ thống các tiêu chí. Để đảm
bảo kết quả đánh giá, xếp hạng phản ánh tính chính xác và khách quan
cao, phương thức đánh giá, xếp hạng cần được hoàn thiện về một số điểm
sau:
Thứ nhất,
số lượng các tổ chức, cá nhân tham gia đánh giá phải được khảo sát đánh
giá trên diện rộng, chiếm một tỷ lệ nhất định để đảm bảo tính khách
quan; không chỉ là những tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan trực
tiếp đến các KCN mà cần có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ở khu
vực kinh tế khác mang tính thống nhất, liên thông trong cả nước.
Thứ hai,
phương thức đánh giá không nên chỉ dựa vào các tiêu chí độc lập, mà cần
tính đến yếu tố ổn định về thứ hạng trong việc duy trì tính cạnh tranh
giữa các KCN để chuyển hoá thành tiêu chí tính điểm xếp hạng đối với các
KCN.
Thứ ba,
phương thức đánh giá cần thể hiện tính định hướng. Trong mỗi năm, các
nhà phân tích, đánh giá cần lựa chọn đưa ra nhóm các tiêu chí ưu tiên
phù hợp với xu thế phát triển của cả nước và thế giới, để từ đó các chủ
thể xác định hướng hoàn thiện và nâng cao tính cạnh tranh, cải thiện môi
trường đầu tư tại các KCN.
Thứ tư,
về cơ bản, môi trường đầu tư giữa các KCN được đảm bảo tương đối đồng
đều trên cơ sở các quy định chung về cơ chế, chính sách áp dụng tại các
KCN, nhưng trên thực tế, tính cạnh tranh giữa các KCN vẫn tồn tại một
cách khách quan. Khả năng cạnh tranh này được tạo ra là nhờ có những
điểm khác nhau trong việc xử lý các mối quan hệ giữa các chủ thể có hoạt
động liên quan đến KCN, cũng như các yếu tố chính của bản thân các KCN.
Vì vậy, phương thức đánh giá, xếp hạng cần bao quát được các vấn đề
này, để đảm bảo kết quả được phản ánh một cách chính xác và khách quan
hơn.
Với
không gian hạn chế trong phạm vi hàng rào của các KCN, nhưng các KCN
lại hội tụ đầy đủ các yếu tố thể hiện tính cạnh tranh của môi trường đầu
tư của một địa phương. Vì vậy, để tập trung cải thiện môi trường đầu
tư, các nhà quản lý cần xem xét, phân tích kỹ các số liệu đánh giá, phản
ánh thứ hạng theo chỉ số cạnh tranh. Từ đó, đưa ra các giải pháp, đề
xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách cũng như kiện toàn các mối quan
hệ trong hoạt động thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các KCN.
Như vậy, thông qua kết quả đánh giá, xếp hạng, việc các nhà quản lý,
nhà kinh doanh hạ tầng các KCN cần giải quyết trong các giai đoạn tiếp
theo là tiếp tục duy trì, phát huy các điểm mạnh và khắc phục tối đa các
điểm yếu để hoàn thiện, nâng cao chỉ số cạnh tranh trong môi trường đầu
tư chung của cả nước.
Ngoài
việc mở rộng về phạm vi, yếu tố bền vững trong đánh giá, xếp hạng các
KCN cũng cần được quan tâm đúng mức để đảm bảo hoạt động này được duy
trì một cách thiết thực và có giá trị trong thực tiễn. Tính phát triển
bền vững có nội hàm rộng, liên quan đến nhiều vấn đề trước mắt và lâu
dài. Để đạt được tính bền vững, hoạt động đánh giá, xếp hạng các KCN cần
tính đến các yếu tố sau:
Một là,
cần phải có hệ thống các tiêu chí đánh giá với cơ cấu tỷ trọng thang
điểm hợp lý trong từng giai đoạn phát triển của thị trường của các KCN.
Các tiêu chí này cần được phân nhóm và bao quát hết cả chu kỳ của hoạt
động đầu tư từ giai đoạn thu hút đầu tư, gia nhập thị trường, sau đầu tư
và rút khỏi thị trường. Từ đó, chỉ số cạnh tranh cũng được phân chia và
đánh giá theo từng giai đoạn của chu kỳ để phản ánh một cách toàn diện
về môi trường đầu tư.
Hai là,
ngoại trừ các điểm chung về cơ chế, chính sách trong việc thu hút và
khuyến khích đầu tư, tính cạnh tranh cần được nghiên cứu qua tiêu chí
phản ánh sự phối hợp giữa các chủ thể có hoạt động liên quan đến các KCN
với mục tiêu đảm bảo hài hoà về lợi ích, quyền và nghĩa vụ. Về lâu dài,
tiêu chí này sẽ ngày càng được đề cao và trở thành một yếu tố cạnh
tranh mạnh, khi mối quan hệ giữa các nhà quản lý, nhà đầu tư được xác
định là nền tảng để tạo lập niềm tin cho các nhà đầu tư khi gia nhập thị
trường.
Ba là,
bên cạnh các yếu tố chủ quan, cần đề cao các yếu tố mang tính khách
quan như: vị trí địa lý, quy hoạch phát triển các ngành. Bởi các yếu tố
này sẽ là tiền đề tạo điều kiện về lợi thế cạnh tranh ban đầu giữa các
KCN và các tỉnh. Sự gắn kết các yếu tố chủ quan và khách quan trong công
tác đánh giá, xếp hạng sẽ giúp các KCN phát triển đúng mục tiêu và đảm
bảo tính cạnh tranh lành mạnh, tránh được sự trải thảm bằng các cơ chế,
chính sách ưu đãi vượt khung, lôi kéo các dự án đầu tư vào các KCN của
địa phương mình, vừa thiếu tính tổng thể theo quy hoạch của cả nước, vừa
ít tác dụng, hiệu quả thấp.
Bốn là,
sau việc lựa chọn, xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá, xếp hạng,
tính bền vững, khách quan, chính xác cần được tiếp tục thể hiện trong
phương pháp đánh giá, xếp hạng nhằm thúc đẩy mặt tích cực của hoạt động
xếp hạng; đảm bảo duy trì tính định hướng để góp phần hoàn thiện môi
trường đầu tư.
Năm là, công
tác đánh giá, xếp hạng cần tính tới yếu tố khả năng khai thác tiềm
năng, tính chủ động trong việc tạo và đón nhận các cơ hội đầu tư. Lựa
chọn yếu tố này không chỉ thể hiện tính chiến lược trong việc nâng cao
tính cạnh tranh mà còn có khả năng duy trì năng lực cạnh tranh cho chính
bản thân các KCN.
Sáu là,
cần kết hợp việc đánh giá, xếp hạng các KCN với hoàn thiện các thể chế
cạnh tranh. Qua đánh giá, các yếu tố nào thực sự là cần thiết và có ý
nghĩa để cải thiện môi trường đầu tư hiện đang yếu thì cần được nghiên
cứu để thể chế hoá, tăng tính hấp dẫn và tính cạnh tranh của môi trường
đầu tư.
Việc
xếp hạng các KCN nói chung và các KCN Đồng Nai nói riêng sẽ cung cấp
thông tin cụ thể, chính xác từng KCN đến các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ
hội đầu tư kinh doanh, làm minh bạch hoá môi trường đầu tư; giúp định
mức giá thuê đất và phí hạ tầng hợp lý theo hạng của KCN; là cơ sở để
Nhà nước ban hành những ưu đãi cho các công ty kinh doanh hạ tầng và các
KCN có thứ hạng cao; xác định thương hiệu và bản sắc từng KCN, đồng
thời các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN cũng được hưởng lợi thông
qua thương hiệu KCN, nhất là về yếu tố cạnh tranh đang diễn ra trong
khu vực và trên thế giới. Quá trình phân loại, đánh giá các KCN cũng
giúp cho Nhà nước theo dõi, quản lý và đánh giá hiệu quả hoạt động của
các KCN, từ đó có những giải pháp đúng đắn trong hoạch định chiến lược
phát triển KCN trong từng địa phương cũng như trên cả nước. | |
Võ Thanh Lập - Trưởng ban BQL các KCN tỉnh Đồng Na |